Cách đây 4 năm, khi mới tiếp cận và tìm hiểu về Tối giản, mình đã tìm và đọc khá nhiều đầu sách, các bài viết trong và ngoài nước về chủ đề này. Bài viết này sẽ tổng hợp 5 cuốn sách hay nhất về Tối giản mà mình đã đọc, hy vọng phần nào sẽ có ích cho bạn.
1. Lối sống Tối giản của người Nhật (Sasaki Fumio)
Như từng đề cập trong bài viết Tại sao mình chọn sống tối giản, đây là cuốn đầu tiên của chủ đề Tối giản mà mình từng đọc. Có thể vì là đầu tiên, nên vào thời điểm đó, cuốn sách này đã truyền cảm hứng rất mạnh mẽ cho mình về một phong cách sống mới: Sống đơn giản.
Ở những năm tháng lưng chừng tuổi trẻ, khi ta còn tự ép mình dưới áp lực đồng trang lứa, khi ta còn chưa hiểu rõ bản thân, chưa định hình được phong cách sống phù hợp, rối ren trong một mớ hỗn độn và phức tạp của thế giới, quyển sách này sẽ khơi gợi cách để sống một cuộc sống đơn giản, không cuốn mình vào cuộc chạy đua vật chất, tập trung vào những điều quan trọng, tìm ra những giá trị riêng phù hợp với bản thân.
2.Nghệ thuật bài trí của người Nhật (Marie Kondo)
Một cuốn sách về phương pháp phân loại, sắp xếp, bài trí và dọn dẹp của Marie Kondo, một chuyên gia sắp xếp và dọn dẹp Người Nhật. Cô đề cập khá chi tiết về việc làm sao để loại bỏ những đồ đạc không cần thiết, cách tổ chức đồ đạc trong nhà và làm sao để thay đổi không gian sống theo phong cách Tối giản. Mình đã học được khá nhiều tips hay ho từ cuốn sách này cho việc sắp xếp và tổ chức đồ đạc. Tuy nhiên cuốn sách này có một số hạn chế về dịch thuật và lời văn khiến nó đôi chỗ hơi dài dòng.
3.Người Tối giản (Phạm Quỳnh Giang)
Mình rất thích cuốn sách này của tác giả Phạm Quỳnh Giang. Trong Người Tối giản, chị đi sâu về phần tối giản tâm trí và những tư duy mà một người sống tối giản cần có như về ngoại hình, vật chất, tiền bạc, định kiến. Chị cũng phác họa chân dung của một người tốn giản trên 3 khía cạnh Độc lập, Tự do và Hạnh phúc. Mình đọc sách của chị đôi lúc lại bật cười vì nhiều chỗ chị nói quá đúng với hoàn cảnh, văn hóa, con người Việt Nam. Với lối văn thông minh, sắc sảo, ngắn gọn nhưng lôi cuốn, chị đem lại cho người đọc những góc nhìn mới mẻ của một tác giả người Việt về Tư duy Tối giản.
4.Một cuốn sách về Chủ nghĩa Tối giản (Chi Nguyễn)
Một cuốn sách khác về Tối giản từ một tác giả người Việt: Chi Nguyễn. Thực ra thì một trong những bài viết đầu tiên mình đã đọc về Tối giản là từ blog của chị gần 5 năm trước. Vào thời điểm đó, khái niệm về Tối giản chưa trở nên phổ biến ở Việt Nam và có thể nói những bài viết của chị đã đem đến nhiều góc nhìn mới lạ cho các độc giả Việt Nam. Mình nghĩ đây là một cuốn sách thú vị và đáng đọc, bởi nó được viết ra từ những trải nghiệm cá nhân của một tác giả trẻ người Việt, cũng có những băn khoăn và mông lung như bất cứ ai trong chúng ta, nhưng đã dám nghĩ dám làm từ việc đặt chân lên đất Mỹ du học, viết blog, sống tối giản, xuất bản sách cho đến trở thành một tiến sĩ giáo dục tại Mỹ thành công như hôm nay.
5.Sống đơn giản cho mình thanh thản (Shunmyo Masuno)
Sống đơn giản dưới góc nhìn của một nhà sư thì như thế nào? Cuốn sách đưa đến những góc nhìn về thực hành sống đơn giản từ đồ đạc, vật chất cho đến làm chủ tâm trí. Với lời văn nhẹ nhàng, như những lời khuyên nhủ, tâm tình, nhà sư Shunmyo Masuno đưa ra nhiều cách để có một cuộc sống đơn giản, thanh thản và bình yên. Đọc cuốn này giúp mình có thêm những góc nhìn khác về việc sống giản đơn, nhẹ nhàng, buông bỏ những điều không cần thiết và thực hành lối sống biết đủ.
Thefreesoulcorner