Một năm trở lại đây, mình trở nên thích thú với tính năng “Memories” (Kỉ niệm) của Facebook. Mỗi ngày mới, mình lại tò mò trông chờ xem mình đã viết gì trên Facebook vào ngày này nhiều năm trước.
Những năm ấy, mình là một con nhỏ với tính cách chưa định hình nhưng đầy những hoài bão và nhiệt huyết, được trải nghiệm những cột mốc, những kỷ niệm vui buồn của tuổi trẻ, tình yêu, tình bạn và ước mơ. Cảm xúc thì có khi lên tới đỉnh nhưng cũng có lúc chạm tới đáy khi đối diện với những kỳ vọng, áp lực, những định kiến và cả những bất ổn tâm lý.
Như một quy luật, càng gần đến cuối những năm 20, mình càng nghiệm ra nhiều bài học trân quý mà có lẽ không sách vở, không ai có thể truyền tải trọn vẹn cũng như mình không đủ hiểu biết để nghiệm ra nếu mình chưa thực sự trải qua nó. Trong bài này, mình viết ra để lưu lại 9 bài học giá trị nhất mà mình rút ra được thông qua những trải nghiệm cá nhân trong những năm tuổi 20.
Bài học 1: Hiểu bản thân là bước đầu tiên mở ra một hành trình mới
Thật may mắn nếu từ những năm cấp 3 (hoặc thậm chí là cấp 2) bạn đã hiểu rõ bản thân mình và biết chính xác mình thích gì. Nhưng sự thật là, hầu hết chúng ta đều không may mắn như vậy. Thế hệ mình (9x đời đầu) và những người bạn của mình, đều lớn lên trong những gia đình không quá thiếu thốn nhưng cũng không sung túc, khi internet, công nghệ còn chập chững, chỉ biết nhiệm vụ của đời mình là học và không có những thế hệ (mentor) đi trước am hiểu về giáo dục, hướng nghiệp và thị trường lao động.
Ở độ tuổi 18-20, hầu hết lứa tụi mình đã không hiểu rõ bản thân là ai, phù hợp điều gì khi đứng trước những quyết định rất quan trọng với cuộc đời, mà với mỗi lựa chọn khác nhau sẽ rẽ lối cuộc đời sang những hướng rất khác nhau, như việc chọn ngành, chọn trường, chọn công việc. Và rồi hầu hết chọn tiếp tục sống một cuộc đời như những người đi trước, mà không hề biết mình sẽ hạnh phúc hay mắc kẹt trong những tiêu chuẩn của xã hội.
Mình cũng đã từng như thế nhưng mình có một thôi thúc mãnh liệt về việc hiểu chính mình. Hành trình tìm hiểu về bản thân của mình đã trải qua một thời gian khá dài trong nhiều năm, không dễ dàng nhưng cuối cùng mình đã có thể tháo gỡ nhiều nút thắt về con người mình, cuộc đời mình, các mối quan hệ, chữa lành những vết thương trong quá khứ, tìm ra những giá trị phù hợp và mở ra một chương mới trong cuộc đời, định hình nên một phiên bản mới và phù hợp hơn với chính mình.
Bài học 2: Người cản trở bạn nhiều nhất là chính bạn
Mình từng nghĩ điều cản trở hay nâng đỡ một con người nằm ở những yếu tố như năng lực cá nhân, nền tảng gia đình, sự may mắn. Nhưng trải qua những năm tuổi 20, sau khi đúc rút từ những sai lầm cá nhân và quan sát từ những thế hệ trẻ hơn mình, mình nhận ra rằng: gốc rễ của mọi vấn đề đều nằm ở mindset. Mình không phủ nhận những yếu tố khác là không quan trọng, tuy nhiên, điều quyết định ở đây chính là cách mà chúng ta tư duy.
Mình từng gặp nhiều bạn trẻ có năng lực nhưng lại tự giới hạn những cơ hội của mình bởi sự thiếu tự tin về bản thân, với lối suy nghĩ mình không làm được hoặc mình không xứng đáng. Mình cũng đã từng có một thời gian sai lầm lối tư duy này. Con người thường sợ hãi trước những điều không biết trước và thường có xu hướng chọn những gì dễ dàng, nhưng sự thực là, những nỗi sợ hầu như đều không có thực mà chỉ là những quả bóng do bộ não tạo ra để bao bọc và bảo vệ niềm tin của chính họ. Với một tư duy mở, không sợ hãi, luôn học hỏi và sẵn sàng đón nhận mọi thách thức sẽ mở ra rất nhiều cơ hội và làm giàu trải nghiệm cho cuộc đời.
Bài học số 3: Thất bại còn giá trị hơn thành công
Chúng ta đều quá quen thuộc với câu nói: “Thất bại là mẹ thành công”, nhưng nếu chưa trải qua, ta sẽ thấy nó thật lý thuyết, sáo rỗng và mang tính chất an ủi làm sao. Càng đi qua những năm 20, càng lúc mình càng thấm thía ý nghĩa của câu nói này.
Thành công cho ta những thành tựu, nhưng chính thất bại mới cho ta những bài học. Mà bài học chính là những thứ giá trị nhất làm hành trang trong suốt cuộc đời.
Hầu hết mọi sự thành công đều xảy ra khi ta đã trải qua nhiều lần thất bại, còn nếu thành công ngay từ lần đầu thì phần lớn là do may mắn. Nhiều người đã từng khởi nghiệp thất bại nhiều lần trước khi xây dựng một thương hiệu thành công. Nhiều bạn đã thất bại nhiều lần trước khi đậu một học bổng du học. Mình cũng từng thất bại trong 3 tháng apply cv liên tục tới nhiều công ty mà không nhận được phản hồi trước khi có được một công việc chính thức, mình cũng từng thất bại trong một số cuộc phỏng vấn trước khi được offer sang một công ty khác tốt hơn, mình cũng từng trải nghiệm đớn đau về tinh thần nhiều lần trước khi tìm ra điều gì là phù hợp.
Thất bại là một trải nghiệm không dễ dàng về mặt tâm lý, nhưng khi đi qua và nhìn lại, ta sẽ ngạc nhiên về những giá trị nó để lại.
Bài học số 4: Hạnh phúc là khi mặc kệ điều người khác nghĩ về mình
Phần lớn chúng ta những thế hệ lớn lên dưới nền văn hóa Á Đông đều bị so sánh với hình tượng “con nhà người ta”, đều được căn dặn về cách cư xử dè chừng “kẻo người ta nói”, “kẻo người ta cười”. Hành vi của chúng ta không thực sự xuất phát từ nhu cầu hay mong muốn của bản thân mà là để người khác nhìn vào và đánh giá về mình. Những vật chất chúng ta sở hữu, tài sản, địa vị, căn nhà rộng lớn, chiếc xe đắt tiền, những thương hiệu ta dùng, thành tích của con cái trở thành những tiêu chuẩn của xã hội. Có bao giờ ta đặt câu hỏi đó có là những điều mình thực sự mong muốn trong đời?
Mình đã từng là một đứa hay lo lắng về suy nghĩ người khác, không dám làm một điều mình thích vì sợ mình khác biệt và dễ buồn vì những lời nhận xét. Nhưng rồi mình nhận ra, cách sống hạnh phúc là khi mình mặc kệ những điều người khác nghĩ về mình. Lối sống, phong cách, thời trang, đồ vật mình chọn là những điều phù hợp nhất với mình cho dù nó có ra sao trong mắt người khác. Hạnh phúc thực sự chỉ xuất hiện khi ta sống với giá trị phù hợp với bản thân mà không ảnh hưởng đến người khác, ngưng làm hài lòng tất cả mọi người và ngưng quan tâm về việc người khác nghĩ gì về mình.
Bài học số 5: Cách duy nhất để đối diện với những định kiến là vượt qua nó
Là một đứa con gái 9x đời đầu lớn lên trong một gia đình truyền thống, ở một thị trấn nhỏ tỉnh lẻ, mình đã chứng kiến nhiều định kiến về: giới tính, học vấn, ngoại hình, hôn nhân, tôn giáo, mối quan hệ gia đình và xã hội. Từ nhỏ mình đã có nhiều trải nghiệm không được tích cực từ môi trường xung quanh về các vấn đề như trọng nam khinh nữ, ngoại hình như thế nào là đẹp, cách dạy con bằng bạo lực của một số gia đình người quen, quan niệm cũ về hôn nhân và tôn giáo.
Ở độ tuổi mới lớn, mặc dù chưa trải nghiệm nhiều về thế giới, chưa biết điều gì là đúng sai, nhưng mình đã rất căm ghét những định kiến. Mình đã từng tổn thương, từng khóc và đôi khi phản kháng bằng thái độ chống đối. Nhưng khi trưởng thành hơn, mình nhận ra rằng: Cách duy nhất để đối diện với những định kiến là vượt qua nó, sống một cuộc đời tốt đẹp, cố gắng lan toả những thay đổi tích cực tới những người quanh mình và rồi thời gian tự nó sẽ chứng minh điều gì là đúng.
Bài học số 6: Gia đình là số 1
Tuổi 20 mình dành hầu hết thời gian để khám phá thế giới ngoài kia, trong khi gia đình nằm đâu đó phía sau những mối quan hệ, tình yêu, tình bạn và những hoài bão của tuổi trẻ; cùng với những trải nghiệm trong quá khứ và khoảng cách thế hệ, sự kết nối của mình với gia đình hầu như là rất ít. Nhưng dần cuối những năm cuối 20, khi va vấp đủ nhiều với cuộc đời, mình nhận ra rằng, không có gia đình nào là hoàn hảo và mỗi trải nghiệm trong cuộc đời dù là hạnh phúc hay không đều có những ý nghĩa riêng của nó.
Bài học số 7: Sức khỏe là nguồn tài nguyên quý nhất
Như nhiều bạn trẻ, mình đã từng không coi trọng sức khỏe, có thể thức tới sáng để học, có thể bỏ bữa vì deadline hay bỏ tập thể dục chỉ vì lười. Cho đến một ngày mình giật mình nhận ra: Mất mọi thứ thì có thể làm lại nhưng sức khỏe thì không. Không sớm cũng không quá muộn, ở tuổi 27, mình thay đổi lối sống, đặt sức khỏe lên hàng đầu, thực hành theo dõi, thiết lập chế độ ăn và thói quen tập thể dục.
Bài học số 8: Sống trải nghiệm làm dày thế giới quan
Một trong những điều mình không bao giờ hối tiếc, đó là những chuyến đi trong những năm tuổi 20. Ở độ tuổi đó, mình không có gì hơn ngoài sức khỏe, sự gan lì và khát khao khám phá. Mọi thứ dường như đều mới lạ và đầy hứng khởi qua cặp mắt thế giới quan trong suốt. Những chuyến đi giúp mình mở rộng thế giới quan, tăng lòng thấu cảm và hỗ trợ trên hành trình hiểu chính mình.
Những chuyến đi khám phá tự túc, tự tìm hiểu thông tin, lên kế hoạch với số ngày phép hạn chế, một khoản budget và một lịch trình làm sao đi được nhiều nơi nhất nhưng vẫn tiết kiệm nhất, mình đặt chân đến những vùng đất lạ, gặp những con người chưa từng gặp, với văn hóa khác biệt, thứ ngôn ngữ chưa từng nghe đã mang lại cho mình rất nhiều trải nghiệm độc đáo và giá trị trong đời. (Chuỗi bài trong chủ đề Nhật ký hành trình là nơi mình ghi lại kỷ niệm mỗi chuyến đi)
Bài học số 9: Sống tối giản để tập trung vào những điều ý nghĩa
Một cơ duyên đưa mình đến với Chủ nghĩa Tối giản và cũng là một quyết định đúng đắn khi thực hành sống Tối giản. Như từng đề cập trong bài viết Tại sao mình chọn sống tối giản, Chủ nghĩa Tối giản đã thay đổi cuộc đời mình, mở ra một trang mới, không chỉ về đồ đạc mà cả cách tư duy. Thay vì lấy shopping làm niềm vui, chạy theo FOMO (1), dùng vật chất, thương hiệu, những thứ bên ngoài để khẳng định bản thân, mình thay đổi lối sống, hướng vào bên trong, tập trung vào những điều giá trị và phù hợp. Vì thế, mình cảm nhận được sự đủ đầy, ý nghĩa và hạnh phúc từ bên trong.
***
Những năm 20 là hành trình chuyển tiếp của mỗi chúng ta từ một đứa trẻ nhìn thế giới qua lăng kính trong suốt, tràn đầy năng lượng và nhiệt huyết nhưng cũng nhiều sai lầm, vấp ngã trở thành một người lớn điềm đạm, giàu kinh nghiệm và trưởng thành hơn. Sẽ có nhiều hối tiếc bởi “Tuổi trẻ thường bị lãng phí ở những năm tháng tuổi trẻ” (2), nhưng nó cũng sẽ trao tặng cho ta những bài học giá trị làm hành trang trên hành trình cuộc đời.
Những năm 20 mình học được về việc hiểu bản thân, cách tư duy đúng, vượt qua thất bại, cách sống tự do, trải nghiệm, trân quý sức khỏe, gia đình và cảm nhận hạnh phúc từ bên trong. Còn bạn, bạn đã học được gì từ những năm tháng tuổi 20?
(1): FOMO: Fear of missing out: Hội chứng sợ bỏ lỡ
(2): Nguyên bản từ câu nói “Youth is wasted at the young”