Đôi điều dành cho phái nữ

Photo by Jasmin Chew on Unsplash

 

Chào bạn. Là mình đây. Sau ngày 8/3, trên mạng xã hội bỗng diễn ra một làn sóng tranh cãi, trong đó chia làm 2 luồng ý kiến: một bên cho rằng việc nhà là đặc ân của phụ nữ và ủng hộ thông điệp: “‘giỏi việc nước, đảm việc nhà”, còn một bên cho rằng tại sao lại gắn việc nhà với phụ nữ, mà không phải là người đàn ông?

Mình đã từng nghĩ về chủ đề này từ khá lâu rồi. Lần đầu tiên khi mình chỉ là một đứa trẻ. Sinh ra trong một gia đình truyền thống và sống dưới nền văn hóa á Đông, mình đã sớm nhận ra những bất bình đẳng của xã hội giành cho nữ giới. Đặc biệt lại là phái nữ, sự cảm nhận của mình càng trở nên sâu sắc và rõ ràng. Đến mức, lúc nhỏ mình từng ước, nhất định kiếp sau mình sẽ là con trai.

Từ nhỏ, mình đã chứng kiến nhiều bất công và kỳ vọng từ xã hội mà một đứa con gái phải đón nhận. Mình biết, dù là nam hay nữ, ai cũng đều có những khó khăn và áp lực nhất định. Chẳng hạn như đàn ông phải có trách nhiệm gánh vác những việc lớn, phải lo về tài chính cho gia đình, chăm sóc cha mẹ… Tuy nhiên, xét về tổng thể, nhất là trong giai đoạn phát triển cho đến khi trưởng thành, giai đoạn mà ảnh hưởng đến tính cách và mindset của một con người nhiều nhất, thì bé gái phải đón nhận nhiều hơn những thiệt thòi. Tùy vào tính cách của những đứa trẻ, những định kiến này có thể ăn sâu vào tiềm thức, làm cho đứa trẻ khi lớn lên, cũng sẽ mặc nhiên tin và hành động theo những định kiến này. Nó dường như khiến những người đàn ông trở nên thờ ơ, những người phụ nữ trở nên an phận, hy sinh và kỳ vọng các thế hệ sau cũng sẽ như vậy.

Bỏ qua những khác biệt về sinh học, dưới đây là những bất công mà một bé gái hay một phụ nữ sẽ đón chịu mà mình đã trải nghiệm:

1.“Con gái cần gì học rộng làm cao”.

Mình còn nhớ câu nói này mình đã nghe khá nhiều lần, khi còn là một đứa trẻ non nớt cho đến những năm cuối cấp. Trong những cuộc nói chuyện giữa những người lớn kiểu nữa đùa nửa thật, mình nghe họ nói rằng: con gái trước sau gì cũng lấy chồng, rồi nó lo cho chồng nó, chứ có giúp được gì mình đâu. Đầu tư cho con gái chỉ phí tiền, chỉ cần nó lấy một thằng chồng giàu có, hay chí ít là chịu làm ăn, rồi chồng nó lo. Chứ con gái thì cần gì học rộng, làm cao.

Mình không biết có phải một phần nhờ vậy không, mà động lực phải học thật giỏi, phải tự kiếm thật nhiều tiền trong mình lúc ấy lại dâng cao hơn bao giờ hết. Mình biết không chỉ mình, mà một số người bạn của mình lúc nhỏ cũng bị cái tư tưởng bất công này đè nén. Một số gia đình, bên cạnh lý do hoàn cảnh khó khăn, thì cũng bởi suy nghĩ này mà cha mẹ can thiệp vào quyết định của con, bắt con phải học ngành cha mẹ chọn, học gần nhà để ba mẹ dễ quản lý, hoặc thậm chí không được học đại học. May mắn là ba mẹ mình đã không xao động trước lời nói của những người kia, vẫn đầu tư cho chị em mình ăn học đầy đủ, vẫn không ngừng khuyến khích việc học của tụi mình.

2.“Con gái thì phải biết làm việc nhà, đi chợ nấu ăn, quán xuyến.”

Mình từng chứng kiến cái tư tưởng ” Đàn ông chỉ làm việc lớn” này từ nhỏ. Đó những bữa tiệc tùng, những mâm cỗ, khi việc của đàn ông chỉ là ngồi chơi tiếp chuyện, còn phụ nữ thì lui cui trong căn bếp ám mùi khói, loay hoay bày biện đồ ăn. Đến lúc ăn, đàn ông sẽ ngồi một mâm riêng, đồ ăn ngon xịn, bia rượu đủ đầy, cứ thế mà cụng ly liên tiếp. Còn phụ nữ và trẻ em sẽ ngồi chung quanh một mâm nhỏ. Các bà, các cô thậm chí không có thời gian ăn, lo cho mấy đứa con nhỏ ăn uống xong xuôi, thì lại quay qua rửa mấy thau chén bát. Trong khi đó, mâm đàn ông vẫn chưa giải tán, vẫn ngồi lê la tới quá đầu giờ chiều. Cho đến sau này, khi thế hệ con cháu như tụi mình lớn lên, các bà, các cô vẫn đảm đương trách nhiệm của họ. Các cháu gái như tụi mình sẽ phụ giúp, còn các các cháu trai thì sao. Tất nhiên, mặc định là họ không phải làm gì!

3.“Một đứa con gái hạnh phúc là được lấy chồng sinh con”

Không rõ từ bao giờ, việc lấy chồng sinh con trở thành mục tiêu hạnh phúc của cuộc đời của một cô gái. Từ lúc nhỏ, các bé gái đã được tập làm việc nhà, được mẹ dạy về nữ công gia chánh, mà mục đích thì cũng chỉ để “sau này lấy chồng, về nhà chồng mà còn biết làm chứ”. Lấy chồng cứ như một mục tiêu cuộc đời được định hướng từ nhỏ. Những bạn nữ ra trường vài năm, nếu đã có người yêu mà vẫn chưa lấy chồng, thường sẽ bị gia đình hối thúc, nếu chưa có người yêu thì sẽ bị nhắc nhở, rồi làm mai với người này người kia. Hôn nhân và gia đình như một điều kiện tối thiểu, mà một người phụ nữ bình thường phải có được. Nếu ai không đạt được điều đó, liền được xem như là kẻ bất thường.

4.“Gia đình không có con trai là một sự không toàn vẹn”

“Thế bao giờ kiếm thằng cu?”, “Nhà toàn vịt giời nhỉ?” “Ôi đàn vịt giời mai mốt lấy chồng là bay hết” là những câu nói mà mình thường nghe lúc nhỏ. Lúc đó, cậu em Út nhà mình chưa ra đời, ba mẹ mình chỉ có con gái. Lờ mờ trong nhận thức của một con bé, mình căm ghét những con người kia vô cùng. Sao họ có thể nói ra những lời vô duyên độc địa, coi thường chị em mình như vậy. Nhưng khi mình dần lớn lên, mới thấu hiểu nhiều điều. Có lẽ, người tổn thương nhiều nhất không phải mình, mà là mẹ mình, một người phụ nữ. Khi quan niệm cổ hủ vẫn cho rằng, việc không có con trai là lỗi ở người phụ nữ.

Trong tư tưởng của những người lớn xung quanh mình lúc đó, không quan trọng có bao nhiêu con gái, một gia đình bình thường thì phải có ít nhất một thằng con trai, để nó lo nối dõi tông đường. Gia đình mình lúc ấy, có lẽ được liệt vào dạng bất thường, nên thường được các chú, các bác đem ra làm câu đùa mỗi khi gặp mặt.

5.“Phụ nữ là phải hy sinh vì chồng con”

Định kiến này khá phổ biến, nhưng thú vị thay, nó không chỉ nằm trong suy nghĩ của các ông chồng, mà lại ngay trong chính suy nghĩ của người phụ nữ. Mình bắt gặp những người phụ nữ, những người mẹ, người bà, họ hy sinh bản thân không ngừng nghỉ. Bên cạnh áp lực của công việc, họ còn phải gánh vác việc nhà cửa, con cái, ngay cả khi con họ đã lớn. Họ cho đó là việc họ phải làm, vì không làm thì không ai làm cả. Họ mệt mỏi, căng thẳng, họ không có thời gian cho bản thân, họ phàn nàn nhưng rồi vẫn tiếp tục chuỗi hy sinh. Phải chi họ giành chút thời gian cho bản thân, học cách thỏa hiệp với chồng, chia bớt việc cho con, bớt cầu toàn, bớt kỳ vọng, mọi thứ có thể không hoàn hảo nhưng gia đình sẽ có những phút giây vui vẻ hơn.

Quay trở lại vấn đề việc nhà, vậy việc nhà là trách nhiệm của ai?

Chứng kiến những bất công đó từ nhỏ, mình đã từng bức xúc, từng căm ghét những định kiến của xã hội giành cho phái nữ. Mình đã từng ghét công việc nhà, thường làm miễn cưỡng lấy lệ mà không hề có sự yêu thích. Mình biết không phải ở đâu cũng có những điều kể trên, sẽ có môi trường trong đó bé gái được đối xử công bằng tôn trọng, được khích lệ và phát triển. Ngày nay, xã hội cũng nhìn nhận và cởi mở hơn, phụ nữ bây giờ tự tin, yêu đời, độc lập và thành công hơn. Phụ nữ nhìn chung đã có nhiều cơ hội nghề nghiệp hơn, thăng tiến hơn. Tuy nhiên, cùng với việc tham gia vào hoạt động xã hội nhiều hơn, dường như phụ nữ đang được xã hội đặt thêm một kỳ vọng lên vai là phải: “giỏi việc nước, đảm việc nhà”.

Vô hình chung, không chỉ cánh đàn ông mà ngay cả chị em phụ nữ, vì cái khẩu hiệu kia, tự nhiên mặc định cho rằng mình không phải chỉ giỏi ngoài xã hội, mà còn phải giỏi việc nhà, thì mới là một người phụ nữ bình thường. Những người phụ nữ vất vả bên ngoài xã hội, tranh thủ thời gian về nhà chăm con, nấu ăn, làm việc nhà ba đầu sáu tay từ bao giờ bỗng trở nên hình tượng người phụ nữ lý tưởng. Ở đây, mình không phê phán ai cả. Nếu bạn yêu thích làm những điều đó, thì đó là một điều tuyệt vời. Nhưng nếu bạn không thích làm việc nhà, thì cũng không sao cả. Mỗi cá nhân chúng ta có quyền lựa chọn cuộc sống của mình. Đừng để ai và cũng đừng tự gán buộc lên bản thân mình “việc nhà là đặc ân của một người phụ nữ”. Vậy nếu đàn ông và phụ nữ, đều không thích việc nhà và lựa chọn không làm, vậy thì ai sẽ làm?

Việc nhà không phải trách nhiệm của riêng ai, mà là sự cảm thông và chia sẻ của tất cả thành viên trong gia đình. Mình rất cảm ơn anh, vì một người đàn ông có tư tưởng tiến bộ. Mình cũng rất cảm ơn Ba Má anh, vì đã dạy con trai tôn trọng phụ nữ, chia sẻ việc nhà, không phân biệt con gái con trai. Cho nên, việc nhà mỗi ngày, anh và mình đều trên tinh thần chia sẻ. Lúc anh nấu ăn thì mình sẽ là người rửa chén, và ngược lại. Hay bữa nào một trong hai đứa hứng lên nấu món gì đổi vị, thì đứa đó sẽ làm bếp chính, đứa kia làm bếp phụ. Có thể bạn sẽ nói: nhờ mình may mắn nên mới lấy được người chồng như vậy. Mình cho rằng đó chỉ là một phần. Vì mình đã từng có thời gian ôm đồm hết việc nhà, mắc kẹt giữa công việc và việc nhà rồi không có thời gian cho bản thân, mình trở nên stress và cáu gắt với mọi thứ. Anh lúc ấy chỉ bảo: “Em mệt thì đừng làm”. Nhưng mình không làm thì ai sẽ làm? Mình không làm thì không có cơm ăn, nhà cửa không gọn. Cho đến khi, chúng mình ngồi lại cùng nhau. Anh và mình đều nhận ra rằng, đừng nên ôm tất cả về mình, mà cần sự cảm thông và chia sẻ.

 

Từ góc nhìn cá nhân, đây là đôi điều mình rút ra cho bản thân mình và cũng dành cho các bạn nữ, để có một cuộc sống tốt đẹp hơn, vượt mình lên trên những định kiến.

1.Là một phụ nữ, đừng lựa chọn hôn nhân khi còn quá trẻ cũng đừng vì vội vã mà lựa đại một người. Ở độ tuổi đôi mươi, khi nhận thức còn non nớt, các cô gái thường nhìn đời qua lăng kính màu hồng. Họ cho rằng tình yêu là tất cả và hôn nhân là một cái kết viên mãn cho một tình yêu đẹp. Đáng tiếc thay, hôn nhân là một sự phức tạp nhiều hơn thế. Việc lựa chọn người bạn đời vội vã, hoặc bước chân vào hôn nhân khi tuổi đời quá trẻ có thể là khởi đầu cho những đau khổ trong cuộc đời sau này. Cho nên, hôn nhân là thứ tuyệt đối không thể vội vàng. Và hôn nhân không phải là tiêu chuẩn người phụ nữ phải đạt được, mà hôn nhân cần đủ sự trưởng thành và sẵn sàng, để cùng nhau xây dựng hạnh phúc.

 

2.Các bạn nữ ở bất cứ độ tuổi nào, nhất là tuổi đôi mươi hãy trải nghiệm cuộc đời nhiều hơn. Hãy trải nghiệm nhiều hơn, khám phá bản thân nhiều hơn. Đừng bó buộc cuộc đời mình bằng sự an phận, sự hy sinh và cho đó là tiêu chuẩn của một người phụ nữ. Mình thầm cảm ơn Ba Mẹ, dù họ không giàu có nhưng đã giành tất cả những gì họ có để cho chị em mình được học, được tự do quyết định. Nếu ngày ấy mình không cố gắng học, không bước chân vào Sài Gòn, thì mình đã không có mình hôm nay, được mở rộng tầm mắt, tiếp cận những mindset tiến bộ, nhìn cuộc sống đa chiều hơn, được đi đây đi đó trải nghiệm văn hóa khác biệt. So với các bạn thành phố, mình chả là gì cả, nhưng so với chính bản thân mình, một con bé ngây ngô ngày nào, mình đã rất khác. Nếu ngày đó mình an phận, có lẽ lúc học xong cấp ba, lấy một anh chàng nào đó và giờ này đang yên ổn trong lựa chọn của chính mình.

 

3.Phải yêu bản thân mình trước hết và không so sánh cuộc đời mình với người khác. Những cô gái hãy yêu bản thân mình hơn, tự tin với những gì mình có, tin tưởng vào những quyết định và lựa chọn của mình. Nếu ngày ấy mình tin vào những định kiến kia, thì có lẽ giờ mình đã rất khác. Mỗi người chúng ta đều có cuộc đời của riêng mình. Cho nên, đừng quá quan tâm về những điều những khác nghĩ gì về mình. Cũng đừng so sánh bản thân mình với ai khác. Nếu bạn chưa kết hôn, ở độ tuổi mà người ta bảo nên kết hôn, thì cũng không sao cả. Quan trọng là hạnh phúc với lựa chọn của mình.

 

4.Không ôm hết việc vmình cho dù trong công việc hay gia đình. Trong công việc, hãy học cách sắp xếp và ưu tiên, học cách ủy quyền hợp lý. Trong gia đình, không ôm hết việc về phần mình, hãy để đàn ông hiểu trách nhiệm và vai trò của họ để cả hai cùng chia sẻ và cảm thông.

 

5.Nếu có con, hãy đối xử công bằng với những đứa trẻ

Đừng nghĩ trẻ con không biết gì. Có những điều mình đã chứng kiến lúc nhỏ mà vẫn nhớ như in đến tận bây giờ. Nếu có con, hãy đối xử công bằng giữa con trai và con gái. Nếu muốn con biết việc nhà, hãy dạy cả hai và phân chia công bằng. Việc nhà không phải để lấy chồng, mà là một kỹ năng cơ bản để tự chăm sóc bản thân. Một ngày nào đó, những đứa trẻ lớn lên, chúng đi học xa nhà, ra ở riêng, sẽ không quá lúng túng. Những cậu con trai biết việc nhà sẽ tự lập hơn khi xa cha mẹ, sẽ thấu hiểu, thông cảm hơn cho người vợ của mình. Anh bạn thân nhà mình chính là một minh chứng của một cậu con trai được tập làm việc nhà từ nhỏ. Hay như mình, một cô nàng đã từng rất ghét việc nhà, nay lại mày mò công thức nấu ăn mới. Vì lúc này đối với mình, nấu ăn không phải để phục vụ chồng con, mà là để mang lại những điều tốt nhất, cho sức khỏe gia đình.

 

Định kiến không chỉ ở xã hội, ở những người đàn ông mà còn ở ngay trong mỗi chúng ta. Mong rằng mỗi chúng ta sẽ có những cái nhìn thật khác, cùng nhau thay đổi để cuộc sống này trở nên tốt đẹp hơn.

Chúc các bạn nữ sẽ luôn hạnh phúc trong mọi ngày.

Chúc bạn đọc thật nhiều an yên.

 

Cảm ơn bạn vì đã ghé blog.

Vi

 

Leave a Reply