Hướng nội, Hướng ngoại và Anh bạn đồng hành

Introvert, Extrovert & My Partner (1)

Photo by Tom Crew on Unsplash

 

Mình từng nghĩ anh là một người hướng ngoại vì tính cách quyết đoán, cởi mở và hòa đồng của anh. Nhưng trong anh cũng có một phần tính cách khác tồn tại, luôn phân tích trước khi hành động, thích dành một khoảng thời gian trong ngày để chìm vào thế giới riêng và đôi khi hơi lạnh lùng. Điều đó khiến mình đã từng luôn thắc mắc trong một thời gian dài: Anh thuộc kiểu tính cách nào, Introvert (Hướng nội) hay Extrovert (Hướng ngoại)?

Đôi khi mình cho rằng anh là người hướng ngoại, chẳng qua sự sâu sắc mà anh có là nhờ thừa hưởng từ những phẩm chất của gia đình và việc giành thời gian riêng cho bản thân chỉ là một trong những cách mà anh thư giãn. Đôi khi mình lại nghĩ rằng anh là một người hướng nội, do lớn lên trong môi trường hướng ngoại và được tiếp thu những kỹ năng về đối nhân xử thế từ gia đình, cho nên anh cố gắng để trở nên hướng ngoại.  

Có lúc thì anh rất năng động nhưng có lúc lại kiệm lời đến lạ lùng. Có khi anh cứ quanh quẩn lấy mình trêu ghẹo làm mình phát bực nhưng có khi lại chìm trong thế giới của riêng mình như quên hết mọi thứ xung quanh. Mặc dù đã đồng hành cùng nhau một khoảng thời gian dài, đôi khi mình thấy anh cực kỳ khó hiểu.

 

Cho đến khi mình phát hiện ra khái niệm “Ambivert” là có thật.

Tại sao lại là có thật? Là bởi vì mình đã từng nghĩ rằng Ambivert chỉ là một cái tên gọi được đặt ra cho những người chưa thể xác định được mình thuộc kiểu thích cách nào (hướng nội hay hướng ngoại), hay đúng ra là cái tên gọi cho những người không hiểu bản thân mình. Nhưng mình đã lầm.

 

Ambivert

Ambivert không phải là một khái niệm mới lạ nhưng lại gây tò mò cho mình thông qua việc được quan sát một điển hình của Ambivert mỗi ngày.

Trong khi Introvert (Hướng nội) lấy năng lượng bằng cách giành nhiều thời gian với những suy nghĩ và cảm nhận hướng vào bên trong, Extrovert (Hướng ngoại) lại là những người thấy đủ đầy khi được tương tác với người khác và hướng về thế giới bên ngoài.

Khái niệm Ambivert được các nhà tâm lý học bắt đầu sử dụng khoảng những năm 40 để chỉ một nhóm người với kiểu tính cách ở giữa của hướng nội và hướng ngoại. Trước đó, nhà tâm lý học Thụy Sĩ Carl Jung dù chưa có khái niệm nhưng cũng xác định được một nhóm tính cách không hoàn toàn thuộc về hướng nội hay hướng ngoại. Ông từng đề cập: “There are people who are fairly well-balanced who are just as much influenced from within as from without, or just as little.” (2)

Theo quan điểm này, có thể hiểu Introvert hay Extrovert không phải là một nhãn dán riêng biệt mà nằm cùng trên một phổ quang tính cách. Trong tính cách của mỗi người đều có cả hai phần Hướng nội và Hướng ngoại. Một người có xu hướng Hướng nội nhiều hơn Hướng ngoại thì được xác định là người Hướng nội và ngược lại. Tuy nhiên nếu một người có mức độ khác biệt giữa Hướng nội và Hướng ngoại không quá chênh lệnh, người đó được xem là một Ambivert.

 

 

Ambivert được mô tả như một nhóm người có khả năng cân bằng rất tốt giữa việc hướng ra bên ngoài lẫn hướng vào bên trong. Họ sở hữu các đặc tính của cả hướng nội và hướng ngoại, tùy thuộc vào tâm trạng, hoàn cảnh, mục tiêu họ có thể linh hoạt những đặc tính của mình.

Ambivert được xem như những người có nhiều lợi thế trong tương tác xã hội, công việc, các mối quan hệ. Họ có thể vừa cởi mở, nhiệt huyết, quyết đoán như một người hướng ngoại vừa có thể lắng nghe, quan sát và bình tĩnh như một người hướng nội. Họ cân bằng, dễ thích nghi, có thể làm việc tốt trong một tập thể lẫn làm việc độc lập.

 

Có vẻ Ambivert được quá nhiều ưu ái so với hai nhóm tính cách còn lại?

Không hẳn vậy. Mặc dù có được những lợi thế của cả 2 nhóm tính cách hướng nội và hướng ngoại, Ambivert cũng có những khó khăn của riêng mình. “Thà anh hướng ngoại hẳn hoặc hướng nội hẳn. Anh thấy mình cứ lưng lửng chẳng ở đâu!” anh từng nói. Một Ambivert như anh đôi khi phải nỗ lực để xác định mặt nào trong tính cách của mình sẽ được thể hiện đối với từng trường hợp cụ thể. Chẳng hạn như trong một buổi tiệc, một người hướng ngoại sẽ cảm thấy được tiếp thêm năng lượng từ việc kết nối với những người khác, một người hướng nội thì ban đầu có thể vẫn hứng thú, nhưng càng ở lâu họ càng cảm giác năng lượng dần cạn kiệt. Trong khi đó Ambivert sẽ phải phân tích mục đích, hoàn cảnh, các mối quan hệ và tâm trạng hiện tại để quyết định mình sẽ enjoy buổi tiệc hết mình hay mình sẽ về sớm để nghỉ ngơi.

Ambivert cũng khiến người khác dễ nhầm lẫn về kiểu tính cách của mình để ứng xử phù hợp. Chẳng hạn một người hay gặp Ambivert vào những lúc người này quảng giao, nhiệt tình thì sẽ tưởng đây là một người hướng ngoại và luôn cởi mở với các mối quan hệ.

 

Ambivert như thế nào trong một mối quan hệ sâu sắc?

Ambivert thường luôn quan tâm, lắng nghe và giúp người kia giải quyết vấn đề. Ambivert có thể dễ dàng thích nghi và hòa hợp với các kiểu tính cách khác nhau như hướng nội lẫn hướng ngoại. Tuy nhiên, do kiểu tính cách linh hoạt, Ambivert cũng gặp khó khăn trong việc nhận được sự thấu hiểu từ bạn đồng hành, họ có thể rất sâu sắc và tương trợ người bạn đồng hành, nhưng lại không biết cách để giúp đối tác hiểu về họ.

Việc có một người bạn đồng hành Ambivert là một trải nghiệm thú vị trong đời. Đối với một người hướng nội như mình, anh không mang quá nhiều năng lượng gây phá vỡ sự cân bằng nội tâm mà người hướng nội cần có, cũng không quá hướng về bên trong như một người hướng nội. Anh mang lại vừa đủ một nguồn năng lượng tích cực và cân bằng, luôn khiến người xung quanh cảm thấy thoải mái, vui vẻ và dễ chịu. Anh có thể ngồi chuyện trò với mình hàng giờ nhưng cũng dành cho mình và bản thân anh những khoảng thời gian riêng.

***

 

Khi tìm ra khái niệm về Ambivert, mình như vỡ ra những đám mây mù trong suy nghĩ. Mình thấy hiểu anh hơn và tôn trọng những phần tính cách đối nghịch trong con người anh. Dù đã đồng hành cùng nhau một thời gian dài, mỗi ngày mình và anh vẫn đang tiếp tục hành trình tìm hiểu và thấu hiểu giữa một Ambivert và một Introvert. Mình tin rằng, dù bạn là hướng nội, hướng ngoại hay ở giữa, đang quan tâm đến một mối quan hệ hai người, gia đình hay xã hội, mỗi chúng ta đều rất cần phải nỗ lực để có thể hiểu về chính mình và những người quanh ta.

Cảm ơn bạn vì đã ghé blog. Chúc bạn thật nhiều an yên.

 


(1) Mình thường gọi anh là bạn vì chúng mình đã từng là bạn, và mình vẫn luôn xem anh như một người bạn đặc biệt đồng hành trong cuộc đời.

(2) Có thể tạm hiểu: Có những người khá cân bằng giữa việc bị ảnh hưởng từ bên trong lẫn bên ngoài.

Comments

  1. DoryN

    Mình là một điển hình của Ambivert, nhưng vẫn luôn nhận mình là Introvert nè. Thật ra thì mình nhận ra là một Người hướng ngoại thì sẽ có một số advantages, nên dù trong sâu thẳm mình là introvert, mình đã tự dạy mình để trở nên linh hoạt hơn và hướng ngoại khi gặp loài người.
    Sự cân bằng của người ambivert lại khiến cho rất nhiều người nhầm lẫn, ví dụ như mình có thể bắt chuyện với người lạ, giao tiếp rất tốt trong các mối quan hệ hay buổi tiệc, có thể kết bạn và nói chuyện với cả thế giới, nhưng thật lòng lại chỉ thích dành thời gian một mình, chơi một mình trong thế giới của mình. Nhưng mọi người lại nhầm lẫn là mình thích đám đông, nên sẽ cảm thấy rất khó hiểu là tại sao mình lại đòi sống một mình không gặp người. Kiểu vậy 😅

    1. Post
      Author
      Thefreesoulcorner

      Bạn nói đúng nè. Ambivert có lẽ là kiểu tính cách khó hiểu nhất trên đời quá. Nhìn thì cứ nghĩ hướng ngoại nhưng lại có gì đó hướng nội. Lúc thì trông giống hướng nội, lúc thì lại y hướng ngoại. : )) nhưng bản chất của họ là cân bằng và linh hoạt chứ không phải là gượng ép để trông giống hướng nội hay hướng ngoại.

Leave a Reply