So sánh – Kẻ đánh cắp niềm vui

Đã bao giờ bạn so sánh bản thân với người khác? Nếu đã từng có những suy nghĩ đó, bạn không phải là người duy nhất, bởi sự so sánh là một phản ứng tâm lý tự nhiên mà đa số chúng ta đều có.

Sự so sánh xuất hiện như một phương pháp để tìm ra điều tối ưu giữa hai hay nhiều sự vật, hiện tượng. Comparison (so sánh) có nghĩa là sự cân nhắc hoặc ước tính về những điểm tương đồng hoặc khác biệt giữa hai sự vật hoặc con người.

Sự so sánh không có gì là xấu cho đến khi nó đi kèm sự đố kị, ghen tị, cảm giác thất vọng về bản thân và những cảm xúc tiêu cực. Sự so sánh bắt đầu trở nên sai trái khi một trong hai điều được đem ra so sánh trở thành tiêu chuẩn cho điều còn lại.

 

So sánh bắt nguồn từ đâu

Sự so sánh thường bắt nguồn từ việc không nắm rõ được giá trị của điều được đem ra so sánh. Khi không xác định hoặc mô tả được giá trị của một hiện tượng, sự vật, con người nào đó, chúng ta thường đem lên bàn cân so sánh với các hiện tượng, sự vật, con người khác.

So sánh bản thân với người khác cũng vậy. Nó thường bắt đầu từ sự bất an về giá trị bản thân. So sánh giúp con người cảm nhận được khoảng giá trị của mình trong vùng giá trị của những người được đem ra so sánh.

So sánh bản thân có thể xảy ra với những người ta quen, một người bạn, một đồng nghiệp, anh chị em, hoặc thậm chí với những người không quen biết (người nổi tiếng, thần tượng, vv). So sánh có 2 kiểu: Upward comparison (so sánh với những người ta tin là họ hơn ta) và Downward comparison (so sánh với những người ta tin là ta hơn họ).

 

So sánh và xã hội

Ngày nay chúng ta hầu hết đều sống trong một xã hội đầy tính so sánh. Sự so sánh có thể về bất cứ điều gì như ngoại hình, khả năng, tính cách, vật chất, thành công. Những đứa trẻ mới sinh được lớn lên trong sự so sánh từ chiều cao, cân nặng, khả năng biết bò, biết đi. Khi đi học, chúng bắt đầu bị so sánh với những đứa trẻ bằng tuổi thông qua xếp hạng, bảng điểm và thành tích. Khi lớn lên, chúng lại bắt đầu tự so sánh cuộc đời của chính mình.

Sự phát triển của mạng xã hội khiến người ta dường như so sánh bản thân mình nhiều hơn. Khi nghe về thành công của một ai đó, có phải bạn đã từng thất vọng về chính bản thân mình? Việc nhìn thấy những điều tốt đẹp nhất của người khác, khi đang phải đối diện với những vấn đề khó khăn của bản thân, có khiến bạn dường như mắc kẹt trong cảm xúc?

 

Đã đến lúc chúng ta cần ngừng sự so sánh.

Công bằng mà nói, so sánh đôi khi có thể giúp chúng ta có thêm động lực để nâng cao năng lực của bản thân. Tuy nhiên, so sánh không phải là cách duy nhất, mà ngược lại còn kéo theo nhiều ảnh hưởng về mặt tâm lý.

So sánh khiến người ta nghi hoặc về giá trị của bản thân, tự ti về những yếu điểm của mình và chìm trong cảm giác tiêu cực. So sánh khiến người ta cảm thấy những thứ mình đang có ít hơn người khác có. Sự bất an, ghen tị, xa cách là những hệ quả của so sánh.

Chúng ta không thể ngưng sự so sánh của người khác đối với mình. Nhưng ngừng so sánh bản thân với người khác là điều hoàn toàn có thể.

 

“Comparison is the thief of joy” – So sánh là kẻ đánh cắp niềm vui.

 

Là một người hướng nội, mình đã từng so sánh bản thân với những người hướng ngoại. Mình thậm chí từng ngưỡng mộ sự hoạt giao, năng động và đôi khi không hài lòng với sự trầm lặng của chính mình. Khi trưởng thành hơn, mình dường như không còn so sánh với người khác và bắt đầu công nhận những giá trị riêng của bản thân. Mình cũng nhận ra sự thay đổi của bản thân trong cách đón nhận thành công của những người xung quanh. Đây là những điều đã giúp mình ngưng so sánh bản thân với người khác, có cái nhìn công bằng và rộng lượng hơn với những người xung quanh. 

 

Hiểu đúng giá trị của bản thân

Khi trưởng thành hơn, mình nghiệm ra rằng, mọi sự so sánh đều là khập khiễng. Mỗi cá nhân chúng ta đều có những giá trị riêng biệt. Có người giỏi về tư duy logic thì cũng có người giỏi về khả năng tưởng tượng. Có người đề cao sự giàu có vật chất, thành công, danh vọng, cũng có người đề cao sự giàu có tinh thần, giá trị cuộc sống, sự chân thành. Hiểu đúng giá trị của chính mình không phải để tự cao tự đại mà là để sống đúng với con người mình.

Việc lấy giá trị của người này làm thước đo cho người khác cũng vô lý như khi chúng ta đem khả năng leo cây để so sánh con cá với con khỉ. Như Albert Einstein đã nói: “Nếu bạn đánh giá một con cá bằng khả năng leo cây thì cả đời (con cá đó) sẽ nghĩ rằng mình ngu ngốc”.

Vậy so sánh 2 con cá với nhau thì có được không?

Cá thì cũng có cá nước ngọt, cá nước mặn, tầng mặt, tầng đáy. Cho nên, dù là cùng một lĩnh vực, mỗi người vẫn có sự độc đáo của riêng mình. Ca sĩ có giọng cao, giọng trầm. Hội họa có nét thanh nét đậm. Vậy tại sao phải so sánh chính mình?

 

Tập trung phát huy điểm mạnh của bản thân

Thay vì giành thời gian so sánh bản thân, việc kiên trì tập trung những điểm mạnh của bản thân sẽ mang lại những kết quả đáng ngạc nhiên. Cuốn sách StrengthsFinder đề cập: Con người có tiềm năng phát triển gấp nhiều lần khi họ đầu tư sức lực vào việc phát triển thế mạnh thay vì sửa chữa những khuyết điểm của mình ( “… people have several times more potential for growth when they invest energy in developing their strengths instead of correcting their deficiencies”). Nghiên cứu của Gallup (công ty phát triển chương trình StrengthsFinder) cũng đã chỉ ra rằng: những người có cơ hội tập trung vào điểm mạnh mỗi ngày sẽ gắn kết với công việc của họ gấp 6 lần và chất lượng cuộc sống tổng quan tốt hơn gấp 3 lần (… “people who do have the opportunity to focus on their strengths every day are six times as likely to be engaged in their jobs and more than three times as likely to report having an excellent quality of life in general”).

 

Luyện tập lòng biết ơn

Chúng ta thường so sánh điều chúng ta không có với điều người khác có. Luyện tập lòng biết ơn là một phương pháp giúp chúng ta nhìn nhận lại và trân trọng những gì mình đang có. Một phân tích năm 2017 của 38 nghiên cứu về lòng biết ơn đã kết luận rằng “Luyện tập lòng biết ơn có thể mang lại lợi ích tích cực cho mọi người về mặt hạnh phúc và sự hài lòng trong cuộc sống”.

 

Hiểu rằng không điều gì là hoàn hảo

Đằng sau ánh hào quang của mỗi người đều có những góc tối mà ta không hiểu được. Con người ai trong chúng ta cũng có những nỗi đau của riêng mình. Như câu nói ta vẫn thường nghe “Nobody’s perfect”. Chấp nhận sự không hoàn hảo của cuộc sống là thái độ sống đúng đắn và tích cực. Chấp nhận sự không hoàn hảo của bản thân là điều quan trọng để sống cuộc sống của chính mình.

 

“Don’t compare your life to others. There’s no comparison between the sun and the moon. They shine when it’s their time.” Anonymous

 

Việc ngưng so sánh không phải là việc chỉ cần làm một đôi lần, mà là một quá trình không ngừng tìm hiểu, rèn luyện và nhắc nhở bản thân. Mình tin rằng, mỗi cá nhân đều có những thế mạnh riêng biệt. Thay vì so sánh bản thân với người khác, việc tập trung vào sự độc đáo của riêng mình và tỏa sáng theo cách của chính mình sẽ giúp chúng ta có một cuộc sống đầy viên mãn và tự do. Chúc bạn luôn hạnh phúc và an yên.

Cảm ơn bạn vì đã ghé blog.

Thefreesoulcorner

Comments

  1. Bà Tám

    Không so sánh với người khác nữa không phải là chuyện dễ thi hành. Có nhiều khi cô so sánh mà không để ý là mình đang so sánh. Chẳng hạn như thấy người nào làm chuyện mình đã làm nhưng giỏi hơn, thành công hơn là cô tự ngầm so sánh.

    1. Post
      Author
      Vi

      dạ đúng rồi cô, nó như một phản ứng tâm lý tự nhiên. vì thế cháu cũng phải luôn nhắc nhở bản thân mình để không bị sự so sánh cuốn mình đi cô ạ.

Leave a Reply