Đã bao giờ, bạn thấy rằng cuộc đời này thật vội vã. Ai trong chúng ta cũng đã từng nhủ mình phải cố gắng hơn nữa, để đạt được một đích đến mà mình cho là hạnh phúc. Vượt qua những kỳ thi, đậu đại học, có một công việc tốt, một gia đình và những đứa con ngoan… Theo thời gian, những mục đích đó thay đổi khiến chúng ta càng lao mình vào guồng quay mà thay đổi. Nhưng có bao giờ bạn ngừng lại để hỏi chính mình, đó có là điều mình thực sự mong muốn? Hay là do xã hội cho nó là tiêu chuẩn của cuộc đời hạnh phúc, nên mình cứ cố gắng hơn nữa mà thôi. Rồi một ngày mệt mỏi trong chính những áp lực vô hình của mình, chợt nhận ra ta đã bỏ lỡ nhiều điều trân quý. Vốn dĩ, hạnh phúc không phải là đích đến mà là những trải nghiệm. Những lúc mệt mỏi quá, hãy thử dừng lại, sống chậm một lần để tìm về với chính con người mình.
Trong thời gian gần đây, mình đã học cách sống chậm để trở về với con người của chính mình. Lối sống này đến với mình thật tình cờ. Có lẽ lần đầu tiên là khi mình bắt gặp vlog của chị Haegreendal giữa năm 2019. Chị là một bà mẹ nội trợ full time. Công việc tưởng chừng nhàm chán đó qua những khung hình của chị bỗng trở nên đẹp đẽ lạ thường. Chị tận hưởng cuộc sống của mình thông qua những điều rất bình dị, tiếng nước chảy róc rách, tiếng những viên đá trong ly cà phê va vào nhau lanh canh, tiếng xì xèo khi chị rán đồ ăn, tiếng sột soạt của chiếc chăn lúc chị lăn hút bụi. Tất cả những điều mà ta ít khi để ý đó, dưới lăng kính của chị lại mang một âm hưởng khác, tràn đầy cái đẹp của cuộc đời. Chị làm thức tỉnh con người sâu bên trong mình. Rồi mình chợt nhận ra, vốn dĩ cuộc đời này đẹp đẽ lắm, không cần một cái đích đến kiêu sa nào cả, cái đẹp đó vốn dĩ đang tồn tại xung quanh chúng ta rồi, chỉ là tâm hồn ta có đủ sự tĩnh lặng để nhận ra hay không.
Và để cho tâm hồn được tĩnh lặng, hãy thử sống chậm một lần.
Nhà văn Hae Min đã từng viết trong quyển “Bước chậm lại giữa thế gian vội vã“:
“Nếu tâm ta ồn ào, thì thế gian sẽ ồn ào
Nếu tâm ta bình yên, thì thế gian sẽ bình yên”
Sống chậm là gì
Dưới đây là một vài cách giải thích về sống chậm
– Sống chậm là cách sống cân bằng, ý nghĩa và trân trọng cuộc sống hơn. Wikipedia Slow Life
– Sống chậm là một lối sống tập trung về sự tiếp cận chậm hơn những khía cạnh khác nhau trong cuộc sống mỗi ngày. Wikipedia Slow Living
– Sống chậm là lui một bước và bắt đầu tận hưởng cuộc sống bằng việc mở rộng nhận thức của những giác quan. Wikipedia Slow Living
– “It’s doing things with presence, being in the moment”, tác giả Carl Honore, In Praise of Slowness: How A Worldwide Movement Is Challenging the Cult of Speed
Cho dù định nghĩa như thế nào, nhìn chung, Sống chậm có thể hiểu là một mindset hoặc một lối sống, trong đó, bạn sắp xếp lại cuộc sống cân bằng, ý nghĩa, tập trung vào những điều giá trị nhất, kết nối bản thân với vạn vật và cuộc sống xung quanh. Tuy có yếu tố “chậm”, sống chậm không phải là cách sống chậm chạp, ỉ lại, lười biếng, rề rà hay buông xuôi.
Giá trị của sống chậm
Sống chậm giúp chúng ta trân trọng cuộc sống và sống tích cực hơn. Nhờ sống chậm và kết nối với bản thân, ta nhận ra cuộc đời này không chỉ là những căng thẳng, bộn bề, những điều không như ý, mà nó còn có những khía cạnh rất đẹp ngay cả trong những thứ chúng ta từng cho là tầm thường. Một cái mầm cây đang vươn mình, một cánh chim chao nghiêng bên trời, một con mèo đang nằm ngủ, tiếng chổi xoàn xoạt của bác lao công bên đường.
Sống chậm giúp chúng ta thoát ra khỏi vòng xoáy của suy nghĩ và guồng quay của thời gian. Khi dừng lại, bạn sẽ thấy tâm mình tĩnh lặng hơn, bạn kết nối với bản thân mình tốt hơn, hiểu nó hơn và biết mình muốn gì trong cuộc đời này.
Thực hành sống chậm bằng cách nào?
Dưới đây là một số cách thực hành sống chậm:
– Tìm những niềm vui đơn giản như trồng cây, nấu ăn, làm bánh, đọc sách vv. Gần đây mình đã tìm ra một vài công thức món ăn mới khá thú vị. Mặc dù trước đây mình là một đứa không hề hứng thú với việc nấu ăn, thứ đã lấy đi nhiều thời gian trong quỹ thời gian eo hẹp của mình mỗi ngày. Mình đã tìm tòi, nghiên cứu về cách sắp xếp, bảo quản đồ ăn, lên thực đơn cho cả tuần sao cho hợp lý và khoa học. Cuối tuần là thời gian để mình nghỉ ngơi và trải nghiệm những điều mới mẻ. Nấu ăn không còn là một gánh nặng mà dần trở thành một niềm vui.
– Xác định hệ giá trị riêng của bản thân, tức là những điều cốt lõi, quan trọng và ý nghĩa với cuộc đời. Học cách sắp xếp, ưu tiên, gạt bỏ những điều không mang lại giá trị khiến bạn bận tâm, đau khổ. Mỗi con người chúng ta là một cá thể với những ưu điểm, khuyết điểm riêng biệt. Quan điểm, kinh nghiệm, học vấn, môi trường sống, tính cách của mỗi người là khác biệt. Mỗi người chúng ta đều nhìn cuộc đời này theo lăng kính của riêng mình. Điều người này nghĩ là tốt nhưng chưa hẳn đã phù hợp với người kia, mà chỉ bản thân mỗi người mới có thể xác định được hệ giá trị của chính mình.
– Đặt tâm trí vào từng việc bạn làm bằng cách thực hành chánh niệm. Trong đạo phật có một khái niệm gọi là Mindfulness (chánh niệm). Chánh niệm tức là sự biết rõ những gì đang có mặt, đang xảy ra ở phút giây hiện tại. Một cách thực hành chánh niệm đơn giản cho những ai không hiểu nhiều về Phật giáo như mình, đó là sống cho thực tại. Khi làm việc gì, tập trung vào việc đó. Khi nghỉ ngơi, tập trung vào hơi thở. Nhờ chánh niệm, tâm trí ta tĩnh lặng, bình yên. Khái niệm này mình được biết qua kênh Youtube Heal Your Leaving, một Extreme Minimalist với rất nhiều quan điểm khá thú vị về cách để có cuộc sống giàu có về tinh thần. Blogger Tâm Bùi cũng đã từng nhắc đến chánh niệm trong một số bài post của anh như một cách thực hành đơn giản để có năng lượng tích cực.
– Sắp xếp lại không gian sống. Bạn cần tìm hiểu không gian sống như thế nào thì phù hợp với bạn. Như mình, việc có một không gian sống tối giản, không nhiều đồ đạc, không nhiều họa tiết và màu sắc, có cây xanh sẽ làm tâm trí mình rất thoải mái.
– Về với thiên nhiên. “Ecotherapy” hay còn gọi là liệu pháp thiên nhiên, là một phương pháp cải thiện tinh thần và thể chất bằng cách kết nối với thiên nhiên. Khá nhiều sách đã đề cập đến vai trò của thiên nhiên với con người như: The Nature Fix, With Nature in Mind và Your Brain on Nature. Một cái cây, một bờ sông, một khu rừng… đều có thể giúp bạn kết nối với chính mình. Khi nghiệm lại, mình chợt thấy thiên nhiên đã hỗ trợ mình rất nhiều trong hành trình kết nối bản thân.
– Làm giàu tâm hồn, gia tăng trải nghiệm tinh thần bằng các hoạt động phù hợp với bản thân chẳng hạn như đọc sách, yoga, thiền, tôn giáo, vv.
Suy cho cùng, cuộc đời này không phải là một cuộc đua mà là một trải nghiệm. Trên hành trình cuộc đời, sống chậm giúp chúng ta nhìn thấu bản thân, tìm lại mình trong một phiên bản mới tràn đầy năng lượng, để bước tiếp trên con đường trưởng thành và trải nghiệm cuộc đời này một cách trọn vẹn hơn. Chúc bạn sẽ tìm thấy những điều ý nghĩa khi thực hành sống chậm.
Chúc bạn một cuộc sống yên lành cùng một tâm hồn bình an.
From The Free Soul Corner with love,
Vi
Comments
Pingback: 5 kênh Youtube hay nhất về phong cách Sống chậm/ Tối giản – The Free Soul Corner